Lúc Này Đúng Khi Đó Sai

Chương 4: Hai con nhím (4)

Công viên Dora nằm ở quận 19 của Paris. Đó là nơi thị trưởng Paris sẽ đem hoa tươi đến viếng thăm tưởng niệm vào mỗi dịp cố định hàng năm, cũng là một trong những điểm đến được chỉ định trong hành trình khi phái đoàn Trung Quốc sang thăm Pháp. Có không ít tổ chức phúc lợi công cộng đã sắp xếp tiến hành các hoạt động từ thiện quan trọng tại đây.

Ở trung tâm công viên có một tấm bảng cao tầm một mét. Dòng chữ trên tấm bảng nhắc nhở mọi người rằng có một người phụ nữ xuất chúng đang yên giấc nơi đây. Công viên này được đặt theo tên của người phụ nữ kiệt xuất ấy.

Dora, Lan Dora.

Ở khắp mọi nơi trong quảng trường trung tâm thành phố Paris đều có thể bắt gặp những sự tích về Lan Dora:

Cha mẹ của Lan Dora là lứa du học sinh đầu tiên xuất ngoại khi Trung Quốc mới được thành lập. Bọn họ lấy thân phận sứ giả văn hóa kết nối hai quốc gia đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Pháp. Sau này, Lan Dora theo dấu chân của cha mẹ lúc trẻ mà sang Pháp du học. Sau nữa, bà kế thừa sự nghiệp của cha mẹ. Trong những ngày tháng ở Pháp, bà đã dành hết tâm sức để tìm nơi an trú cho những người Digan vô gia cư. Dưới nỗ lực của bà, một bộ phận người Digan đã có một nơi che mưa chắn gió.

Mùa đông năm đó, Lan Dora đến quận 19 thăm bạn bè. Ngay sau khi rời khỏi bến xe, một người Digan đã dùng dao đâm bà ấy. Lan Dora ngã trên vũng máu, gã người Digan lấy ví tiền của bà rồi nghênh ngang bỏ đi.

Sau cái chết của Lan Dora, quận 19 có thêm một công viên Dora. Khu định cư mà bà đã xây dựng cho những người Digan trong suốt cuộc đời của mình chính thức được đặt tên là "Nhà của Dora".

Hiện tại, nước Pháp đã có mười tám căn "Nhà của Dora".

Công viên Dora được đánh dấu trên bản đồ tuyến đường giao thông góc rộng của thành phố Paris. Một phần của bản đồ tuyến đường cũng được dùng để kể lại những việc làm của Lan Dora bằng ba thứ tiếng Pháp, Anh và Trung Quốc.

Lâm Phức Trăn biết rất nhiều về công viên Dora, và cả người phụ nữ kiệt xuất đã chết dưới lưỡi dao của một người Digan. Nhưng biết không có nghĩa là thấu hiểu và tiếp nhận. Hơn nữa, cô bé chưa từng gặp người phụ nữ xuất chúng đó. Thậm chí khi bà ấy ra đi, mẹ cô vẫn chưa quen biết bố.

Vào cái tuổi vừa mới phân biệt được màu sắc và bị mê hoặc bởi sự biến hóa khôn lường của kính vạn hoa, luôn có người lấy đi chiếc kính vạn hoa trên tay cô bé rồi nói với cô rằng: "Bà ngoại của con tên là Dora."

Lúc ấy, Lâm Phức Trăn không hiểu "Bà của con tên là Dora" liên quan gì đến việc kính vạn hoa bị cưỡng chế lấy đi.

Sau đó nữa, lúc nào cũng có người nói với cô bé "Bà ngoại của con tên là Dora. Con phải ngẩng cao đầu. Đó là một kiểu thái độ sống." Trong số những người nói với cô bé điều đó có cả mẹ cô - Lan Tú Cẩm.

Từ nhỏ đến lớn, câu nói "Bà của con tên là Dora" đã khiến cho tai cô bé như sắp đóng kén tới nơi, nghe đến nỗi trong lòng sinh ra phiền chán. Phiền chán lại sinh ra cự tuyệt và bài xích.

Đã rất nhiều lần Lâm Phức Trăn né tránh những nơi công cộng như các góc quảng trường thành phố. Bởi vì trên những bức tường tranh ở đó đâu đâu cũng có thể bắt gặp chân dung của quý bà Lan Dora. Thế nhưng quý bà luôn khiến cho cô bé cảm thấy phiền chán từ nhỏ đến lớn ấy, vào lúc này đã không còn đáng ghét như trước nữa rồi. Đó là người đã đem mẹ cô đến với thế giới này, một mình nuôi lớn mẹ và là người mà mẹ yêu quý.

Bây giờ, người mà mẹ yêu quý đang ở yên trong khung kính. Hai du khách Trung Quốc vừa rồi trong lúc trò chuyện có nói "Bọn họ trông thật giống nhau."

Lâm Phức Trăn biết người mà bọn họ đang ám chỉ là ai. Cô bé đã nghe qua không ít những lời đại loại như "Mắt của con thật giống với bà ngoại con."

Đương nhiên rồi, đôi mắt của cô bé giống mẹ, mà đôi mắt của mẹ lại giống bà ngoại. Mỗi khi có người đưa ảnh của bà ngoại đến trước mặt Lâm Phức Trăn, cô bé đều chẳng buồn nhìn. Ngẩng đầu đứng trước bức tường tranh, cô đột nhiên muốn xem thử đôi mắt của bà ngoại. Nhìn vào mắt bà cũng giống như nhìn vào mắt mẹ.

Trong lòng cô bé hơi nhớ mẹ. Ngày thường cô luôn nghĩ về bố nhiều hơn là nghĩ về mẹ. Thậm chí nhiều hơn rất nhiều. Nhớ tới bố năm lần thì mới nhớ tới mẹ một lần. Vào lúc này, cô bé nhớ tới mẹ mười lần cũng vẫn chưa đến lượt bố.
Bức tường tranh hơi cao so với cô bé. Chân dung của bà ngoại trông có vẻ mơ hồ.

Lâm Phức Trăn kiễng chân lên --

"Tiểu Họa Mi"

Mũi chân vừa kiễng lên đã nhanh chóng thu lại. Cô bé nhìn về phía âm thanh vừa phát ra. Ở nơi ánh sáng lờ mờ, có một bóng người đang đứng yên, tư thế hoa lệ, giống như ánh đèn lộng lẫy ở Paris đêm nay.

Gia Chú? Liên Gia Chú.

Nhưng mà, Liên Gia Chú không phải đang bệnh nên bị cưỡng chế ở nhà nghỉ ngơi sao?

Cách đây vài tiếng, trong bữa tiệc sinh nhật của cô bé, Lâm Phức Trăn đã nhận được món quà mà Liên Gia Chú nhờ quản gia nhà cậu ấy giao đến tận tay cô. Người đàn ông trung niên mặc đồng phục liên tục truyền đạt lời xin lỗi từ cậu chủ nhỏ: Quà sinh nhật đã được cậu chủ chuẩn bị từ một tuần trước rồi. Nhưng vì mấy hôm trước bị nhiễm phong hàn chưa khỏi hẳn nên bị bác sĩ buộc phải ở nhà nghỉ ngơi.
Có lẽ là do ánh đèn Paris trong đêm quá đỗi chói lọi khiến cô bé nhìn đến hoa mắt rồi. Cô tập trung tinh thần nhìn chằm chằm vào bóng người kia. Bóng người chậm rãi di chuyển, xuyên qua từng chiếc, từng chiếc vòng tròn neon. Nháy mắt tiếp theo, cậu ấy đã đứng ở trước mặt cô bé.

Thực sự là Liên Gia Chú.

Cậu bé trước mặt là thiếu niên thiên tài được người dân Paris yêu mến. Năm tám tuổi, cậu cùng với dàn nhạc Philharmonic (*) tổ chức buổi hòa nhạc ở London. Trong buổi biểu diễn, màn độc tấu violin "Devil's Trill" (**) dài 17 phút của Liên Gia Chú đã khiến khán giả vô cùng ngạc nhiên.

(*) Dàn nhạc Phiharmonic (New York Philharmonic Orchestra) là một trong những tổ chức âm nhạc lâu đời nhất ở Hoa Kỳ và là dàn nhạc cổ nhất trong số các dàn nhạc "Big Five" (năm dàn giao hưởng lớn).
(**) Devil's Trill - Âm láy ma quỷ, bản sonata được sáng tác bởi nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin người Ý Giuseppe Tartini. Yếu tố âm nhạc liên quan đến cái tên của tác phẩm xuất hiện ở đoạn cadenza (đoạn độc tấu hào nhoáng ở cuối phần trình diễn) chói sáng gần cuối tác phẩm. Trong đoạn cadenza này, kĩ thuật láy/rung (trill) rất khó vì đòi hỏi người biểu diễn phải rung trên một dây đàn trong khi phải lướt nốt thật nhanh trên một dây khác. Đây là một tác phẩm nổi tiếng vì đòi hỏi không chỉ kỹ thuật chơi violin cực khó, mà còn cả mức độ biểu cảm nội tâm sâu sắc.

Có thể nghe thử ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=z7rxl5KsPjs

Chỉ năm phút sau khi buổi biểu diễn kết thúc, các phương tiện truyền thông điện tử lớn đã không thể chờ được mà đem mỹ danh "thiếu niên thiên tài" đặt cho chàng trai đến từ Strasbourg.
Strasbourg nằm trên sông Rhine ở Đông Bắc nước Pháp. Với cảnh sắc thiên nhiên, không khí trong lành và những sản phẩm thủy tinh tinh xảo, nơi đây được mệnh danh là thành phố đẹp nhất nước Pháp, là "Petite France" (nước Pháp nhỏ bé).

So với cái tên Liên Gia Chú, mọi người càng muốn gọi cậu thiếu niên thiên tài đó là "Petite France" hơn. Người ta tin rằng chỉ có thành phố xinh đẹp bên bờ sông Rhine mới có thể sánh được với cậu ấy.

"Petite France" còn có bối cảnh gia đình khiến người ta kinh ngạc đến không nói nên lời.

Liên Gia Chú xuất thân từ gia tộc Liên thị nổi tiếng ở Malaysia. Vương quốc thương mại được tạo ra bởi các ngành bất động sản, sản xuất, hậu cần và giải trí dưới tên nhà họ Liên được gọi chung là Doanh nghiệp Liên thị.

Doanh nghiệp Liên thị có ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á, người đứng đầu là ông nội của Liên Gia Chú - Liên Chiêu Thành. Bởi vì trong tên ông có một chữ Thành, thêm vào việc quê gốc Liên gia ở Phúc Kiến, Liên Chiêu Thành được giới truyền thông gọi là Lý Gia Thành (*) của Đông Nam Á
(*) Lý Gia Thành được mệnh danh là tỷ phú giàu nhất Hongkong. Nguyên quán của ông ở Quảng Đông (Trung Quốc), giáp với tỉnh Phúc Kiến.

Nói về sức ảnh hưởng của Doanh nghiệp Liên thị, dùng lời của một số nhà kinh tế thì là: Một khi Liên Chiêu Thành thôi quốc tịch Malaysia, nền kinh tế tài chính của Malaysia sẽ tụt xuống hơn 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc tế và sức mạnh tổng hợp. Nếu Liên Chiêu Thành rút khỏi khu vực Tam giác vàng, 20% lao động ở khu vực Tam giác vàng sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Theo như lời của dì Daisy, Liên Chiêu Thành là người mà ngay cả gia tộc Roths cũng phải xuống nước lấy lòng. Sao lại như vậy được?

Mặc dù gia tộc Roths là gia tộc dễ bị người ta xem nhẹ nhất trong số mười gia tộc hàng đầu ở Israel. Nhưng con cái của các thương gia người Pháp gốc Do Thái đều biết bài ca dao ""Đảng Dân chủ thuộc về gia tộc Morgan, và Đảng Cộng hòa thuộc về gia tộc Rockefeller. Chắc hẳn bạn chưa bao giờ tưởng tượng rằng gia tộc Morgan và gia tộc Rockefeller từng thuộc gia tộc Roths." (*)
(*) Morgan và Rokefeller được mệnh danh là hai đế chế kiến tạo nên nước Mỹ. Trong khi nhà Morgan thống trị ngành tài chính - ngân hàng thì gia tộc Rokefeller nắm trong tay đế chế dầu mỏ từng khiến cả nước Mỹ khϊếp sợ. Hiện nay cả hai gia tộc này vẫn giữ vững tầm ảnh hưởng của mình đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Còn về gia tộc Roths mà tác giả đề cập ở đây có thể đang nhắc đến gia tộc Rothschild - một gia tộc Do Thái đã tạo nên đế chế tài chính - ngân hàng tại châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 18. Tuy có nguồn gốc từ Frankurt (Đức) nhưng gia tộc này có rất nhiều chi nhánh tại các quốc gia khác nhau và là nhân tố chủ chốt trong việc hình thành Nhà nước Israel. Họ được coi là gia tộc kinh doanh giàu có nhất mọi thời đại. Thậm chí, danh từ "Rothschild" còn được đồng hoá với và quyền lực, một điều mà chưa gia tộc nào có thể làm được. Nhà Rothschild xuất hiện trong thơ ca, văn học, nghệ thuật và thậm chí còn được đặt tên cho một phong cách sống - le gout Rothschild - phong cách sống hào hoa, quý tộc. Hiện nay, so với các gia tộc tài phiệt khác thì nhà Rothschild có vẻ im hơi lặng tiếng hơn nhưng họ vẫn là một trong những gia tộc giàu và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.
Về lý do tại sao tác giả lại viết rằng "gia tộc Morgan và gia tộc Rockefeller từng thuộc gia tộc Roths", theo như mình tìm hiểu thì trước đó gia tộc Rothschild từng sở hữu một lượng lớn cổ phần của tập đoàn quản lý và tư vấn tài chính dưới tên nhưng chưa thấy mối liên hệ nào với gia tộc Morgan. Có thể là do tác giả đã tìm được một nguồn thông tin nào đó đầy đủ hơn. Vì với vị thế của một gia tộc lớn mạnh như Rothschild, nếu đã có thể sở hữu đến 37% cổ phần của một tập đoàn dưới tên Rokefeller thì không có gì là không thể nếu sở hữu cả cổ phần của nhà Morgan.

Thấy cô bé không để tâm đến những lời đó, dì Daisy lại nói mấy câu như thật như không: "Người thông minh tham vọng làm chính trị gia. Người thông minh tham lam làm doanh nhân. Mà người thông minh không tham vọng cũng chẳng tham lam mới là người thông minh nhất. Bởi vì đối thủ của anh ta sẽ vĩnh viễn không bắt thóp được anh ta, anh ta có thể tận dụng tài nguyên trong tay của mình đến mức cao nhất. Ông nội của Liên Gia Chú chính là loại người thông minh nhất đó."
Đến bây giờ Lâm Phức Trăn vẫn không thể hiểu được những lời của dì Daisy. Nhưng việc cháu trai cả của nhà Roths luôn tìm Liên Gia Chú nói chuyện trong những dịp công khai là một sự thật không thể chối cãi. Cho dù hai người này chênh nhau mười mấy tuổi.

Malaysia thi hành chế độ đa thê. Liên gia có rất nhiều thành viên. Liên Gia Chú là thành viên nhỏ nhất thuộc thế hệ thứ ba của Liên gia và cũng là cháu trai được cưng chiều nhất của Liên Chiêu Thành. Với dung mạo tựa thiên sứ, Liên Gia Chú trở thành đứa trẻ được mọi người già trẻ lớn bé trong Liên gia thương yêu nhất.

Lâm Phức Trăn lần đầu tiên gặp Liên Gia Chú là vào năm ngoái. Nhưng trước đó cô bé đã thông qua những bức hình trên họa báo biết đến thiếu niên thiên tài mà người Pháp mỗi khi nhắc đến sẽ "mưa" văng tung tóe kia rồi.
Vào lần đầu tiên gặp Liên Gia Chú, Lâm Phức Trăn đã làm một hành động rất tầm thường, len lén chỉnh lại túm tóc đuôi ngựa của mình.

Liên Gia Chú mặc áo sơ mi màu trắng phối cùng nơ bướm xanh ngọc, đẹp tới nỗi như chỉ có thể tìm thấy trong truyện tranh.

Liên Gia Chú đẹp tới cỡ nào nhỉ? Đẹp tới mức khiến người ta không dám lớn tiếng. Chỉ sợ một khi nói lớn tiếng sẽ dẫn gió tới. Gió vừa thổi sẽ khiến người đó tan theo làn gió, trở về với màu trắng tinh khôi.

"Chào cậu, tớ tên là Lâm Phức Trăn. Rất vui được quen biết cậu." Lời này lúc đó bị cô bé lắp ba lắp bắp nói ra.

Vài lần đi gặp Liên Gia Chú sau đó, Lâm Phức Trăn đều ôm tâm lý có phần kỳ quái mà cố tình chăm chút cách ăn mặc một phen.

Gia Chú là đứa trẻ lịch sự và dịu dàng nhất mà cô bé từng thấy. Cậu không bao giờ gọi cô là Vianne, càng sẽ không ở trước mặt cô nhắc tới người phụ nữ kiệt xuất tên Dora. Không chỉ vậy, cậu còn cùng với cô bé lén trốn khỏi những dịp xã giao phiền phức rồi đi dạo cùng cô trong công viên.
Sau đó nữa thì ...

Sau đó nữa, Lâm Phức Trăn phát hiện ra rằng Liên Gia Chú là một đứa trẻ lễ phép và hòa nhã với bất cứ ai. Tất cả những "công chúa nhỏ" mà cô biết, ngoại trừ Barbara, đều nói rằng lớn lên muốn gả cho Gia Chú.

Vì sao Barbara lại không muốn gả cho Gia Chú ư? Vì Barbara là một cô công chúa béo, thế nên cô bé cho rằng thân hình mập mạp của mình không xứng để đứng cạnh một Gia Chú xinh đẹp như vậy.

Giáng Sinh năm ngoái, Lâm Phức Trăn đã nhìn thấy Liên Gia Chú giúp phủi đi những bông tuyết trên mái tóc xoăn vàng một cô bé đến từ London. Cảnh tượng đó so với cô công chúa và chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích còn đẹp hơn.

Kỳ diệu là từ hôm đó trở đi cô bé không bao giờ nói lắp trước mặt Liên Gia Chú nữa.

Bây giờ, Liên Gia Chú đang đứng trước mặt Lâm Phức Trăn lại đẹp hơn mấy phần so với lần đầu tiên cô bé nhìn thấy cậu rồi. Cô đã hơn một tháng không gặp cậu ấy.
"Liên Gia Chú, cậu không phải bị ốm sao?" Lâm Phức Trăn hỏi cậu.

Câu hỏi này mang chút ý trả thù. Vừa rồi Liên Gia Chú thế mà lại gọi cô bé là "Tiểu Họa Mi", giọng điệu chẳng khác gì hai viên cảnh sát kỵ binh tọc mạch chuyện nhà cô trước đó.

Liên Gia Chú không trả lời câu hỏi của cô bé, chỉ chăm chú nhìn cô. Lâm Phức Trăn không nhìn thấy chút mất tự nhiên nào trên khuôn mặt của Liên Gia Chú.

Lâm Phức Trăn đã đoán được tại sao cậu bảo rằng bị ốm, nhờ quản gia thay mặt tặng quà mà giờ lại xuất hiện ở đây rồi. Chẳng qua là không coi trọng, không có hứng thú mà thôi.

Cũng đúng. Chiếc Rolls Royce đưa đón cô bé là của nhà dì Daisy, trả tiền cho cô trong cửa hàng bách hóa là quản gia nhà dì Daisy, thậm chí tiền lương của Sana cũng do dì Daisy trả. Gia đình cô cũng có xe riêng, chiếc Megane do hãng Renault sản xuất. Nhưng vẫn còn hai tháng nữa mới trả hết toàn bộ khoản vay mua xe.
Thỉnh thoảng, bố sẽ nói đùa với cô bé rằng tổng tài sản của ông ấy và mẹ cộng lại có lẽ còn không bằng số lẻ trong tài khoản ngân hàng của con gái mình.

Lâm Phức Trăn có tài khoản ngân hàng riêng. Thu nhập từ các hoạt động thương mại mà cô bé tham gia với thân phận "Vianne" đều được dì Daisy cất vào tài khoản ngân hàng của cô. Chỉ có điều số tiền kia phải đợi đến khi cô bé đủ mười tám tuổi thì mới có thể dùng được.

Mặc dù mẹ cô bé là người có khả năng trực tiếp cùng Chủ tịch Liên minh Châu Âu phân tranh cao thấp, nhưng mẹ đã nói rồi "Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung - Âu" chỉ là một công việc không hơn. Tính chất công việc của bố cũng thế.

Cô bé lúc này chẳng khác gì những đưa trẻ lang thang trên phố lúc nửa đêm. "Vianne" hay "cháu ngoại của Dora" gì đó đều chỉ là hư ảo. Liên Gia Chú không để cô vào mắt cũng là điều dễ hiểu thôi.
Thế nhưng! Không được coi trọng cùng với câu "Tiểu Họa Mi" kia khiến trong lòng Lâm Phức Trăn sinh ra chút ác ý nho nhỏ. Ác ý này làm nhạt đi lời nhắc nhở mà dì Daisy thường xuyên nói với cô bé "A Trăn, đừng đi trêu trọc Liên Gia Chú."

"Gia Chú, quản gia tài xế của cậu đâu?" Cô bé cố ý ra vẻ nghiêm túc, ánh mắt đảo qua phía sau Liên Gia Chú, giọng điệu ngây thơ "Muộn như thế này mà cậu còn ở đây, không sợ bố mẹ cậu lo lắng..."

Cô bé bông nhiên che miệng lại. Có lẽ lúc này ai nhìn vào cũng sẽ nghĩ đó là một cô bé đáng yêu ngây ngô ngờ nghệch. Cô bé nhỏ ấy giờ đang cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì đã vô tình nói điều gì đó làm tổn thương bạn mình.

Cô bé bịt chặt miệng, giọng nói từng chút từng chút lọt ra từ kẽ tay: "Gia Chú, xin lỗi cậu, mình quên rằng bố mẹ cậu đã không còn nữa."
Bất cứ ai nhìn thấy một Liên Gia Chú lịch sự, hòa nhã với bất tất cả mọi người đều sẽ không liên tưởng đến cụm từ "mất cả cha lẫn mẹ" kia. Nhưng cậu quả thực là một đứa trẻ tội nghiệp không cha không mẹ. Phải, đứa trẻ xui xẻo đáng thương.

Về cái chết của cha mẹ Liên Gia Chú, phía cơ quan chức năng tuyên bố là "tai nạn hàng không". Nhưng Lâm Phức Trăn đã nghe được không ít lời xì xào bàn tán liên quan đến cha mẹ cậu ấy.

Cô bé che miệng, bộ dáng vô tội nhìn về phía Liên Gia Chú.