Bạch Dã Kỳ Văn Lục

Chương 31: Bức tranh không hoàn chỉnh.

Thế nhưng vừa bước vào thang máy cặp lông mày của Cố Huyền đã xoăn tít lại, anh ta nhìn lướt một vòng mọi người trong thang máy, sau đó dừng ở Hoằng Bạch.

Hoằng Bạch thấy mặt Cố Huyền nhìn cậu mà như ăn phải mướp đắng thì vội hỏi: "Sao thế? Có gì kì lạ hả?"

Cố Huyền không đáp, chỉ khẽ cúi người xuống ngửi ở phần cổ bên phải Hoằng Bạch, cuối cùng anh ta nặng nề nói: "Trước khi đến đây cậu đã gặp phải ai sao?"

Hoằng Bạch ngạc nhiên: "Sao anh lại hỏi như vậy?"

Cố Huyền đảo mắt nhìn chung quanh thang máy rồi nói: "Trong thang máy có mùi máu, xen lẫn trong đó còn có một mùi mà tôi không xác định được. Có điều mùi không xác định lại tỏa ra ở trên cậu."

Vương Cật Lãng nghe vậy thì cười ha ha nói: "Mùi máu không phải là chảy từ trên người tên Cung Thường Tuấn kia ra à? Lúc nãy hắn còn lăn mấy vòng ở trước cửa thang máy đấy..."

Cậu ta còn định nói gì đó nhưng đã bị Mạnh Siêu bịt miệng lại, thác mồ hôi Nicaragua chảy ào ào trên đầu Mạnh Siêu, hắn né tránh ánh mắt lạnh lẽo của Cố Huyền rồi nhìn Hoằng Bạch nói: "Thật xin lỗi, thằng bé này mới có 17 tuổi thôi, đừng chấp nhặt con nít..."

Hoằng Bạch đương nhiên sẽ không chấp nhặt thằng nhóc 17 tuổi dám ở trước mặt Cố Huyền nói tầm phào, vì vậy cậu cố ý kéo sự chú ý của Cố Huyền trở lại mùi máu trong thang máy: "Lúc nãy trong tháng máy tôi có gặp hai người đàn ông, nhưng lúc đó trên người họ rất sạch sẽ, không giống kiểu dính máu đầy người đến nỗi vương mùi trong thang máy mà?"

Cố Huyền lắc đầu đáp: "Đây không phải mùi máu tươi, mà là từ thứ đã tiếp xúc lâu dài với máu."

Phùng Diên Nhi lúc này mới âm trầm nói: "Chúng tôi đã gặp hai tên sát thần năm xưa ở núi Địch Khâu."

Tất cả mọi người nghe xong đều tái mặt, chỉ riêng Cố Huyền khó hiểu hỏi lại: "Sát thần?"

Phùng Diên Nhi thở dài nói: "Chuyện này đã xảy ra chín năm rồi, A Huyền không biết cũng đúng thôi. Vả lại đây chính là một câu chuyện cũ phủi bụi đáng sợ mà chính chị cũng không muốn nhớ đến..."

Sau đó qua lời kể của Phùng Diên Nhi, Hoằng Bạch rốt cuộc cũng biết lý do tại sao cô lại sợ hãi khi gặp hai người áo đen kia.

Chín năm trước, khi Phùng Diên Nhi và Khương Lập Phong nhận một vụ làm ăn tìm hiểu các sự việc lạ của núi Địch Khâu, ở đây hai người đã phải liều sống liều chết một phen mới toàn mạng trở về...

Người ủy thác cho họ lúc đó là bạn cũ của sư phụ họ, người này không am hiểu huyền học, lúc trước cũng là thanh niên tri thức bị điều về nông thôn, sau đó cũng không có cơ hội trở về thành phố mà phải ở mãi một thôn làng gọi là thôn Đào Hoa.

Ngày xưa cách đặc tên cho các địa danh đều dựa vào đặc điểm nhận biết của địa danh đó, vì vậy thôn Đào Hoa cũng không ngoại lệ, đây là một ngôi làng có rất nhiều hoa đào.

Người bạn cũ của sư phụ Khương Lập Phong và Phùng Diên Nhi tên là Hồ Chính Bắc, ông ta ở thôn Đào Hoa mấy chục năm, trong khoảng mười năm trở lại đây thì ông ta đã trở thành trưởng thôn.

Năm đó có một vị họa sĩ già đến thôn Đào Hoa thăm thú, sau đó nổi hứng vẽ một bức tranh, trong tranh toàn là một màu hồng của hoa đào, bên phải góc tranh có một cái đình viện cổ kính, trong đình còn có bàn ghế bằng đá, một cô gái mặc bộ váy cổ đại dài quét đất màu xanh lục đang ngồi, tuy dáng cô gái trong tranh thướt tha cao nhã nhưng mái tóc cô gái này lại cột xuề xòa vắt chéo một bên, thế nên dung mạo cũng bị tóc mai che mất.
Sau khi khi vẽ bức tranh này, người hoạ sĩ kia tấm tắc ưng ý vô cùng, còn trò chuyện với Hồ Chính Bắc rằng sẽ mang bức tranh lẫn thôn Đào Hoa đẹp như tiên cảnh cùng đến sự kiện nghệ thuật của tỉnh.

Hồ Chính Bắc cũng rất hào hứng đáp ứng người hoạ sĩ kia, bởi vì thôn Đào Hoa tuy đẹp nhưng những thôn dân bên trong hằng năm chỉ làm vừa đủ ăn đủ mặc, không hề dư dả gì nhiều, thế nên cảnh đẹp trong thôn dù có tiên như nào cũng không làm thành gạo ăn được. Nhưng nếu cảnh đẹp trong thôn được nổi tiếng thì sẽ là chuyện khác, đến lúc đó thôn Đào Hoa có thể thay đổi việc làm chuyển thành kinh doanh du lịch, cuộc sống người trong thôn cũng sẽ thay đổi tốt đẹp hơn.

Thế nhưng Hồ Chính Bắc đợi mãi, ông cũng cố ý hỏi thăm tin tức về sự kiện nghệ thuật kia nhưng cũng như muối bỏ biển. Lúc đó ông còn nghĩ bản thân tin người quá rồi, có lẽ người hoạ sĩ kia cũng không có khả năng khiến thôn Đào Hoa của họ nổi tiếng được, dù sao nước S của họ cũng đầy rẫy những nơi có cảnh đẹp thế này cơ mà.
Ngày tháng dần trôi qua, Hồ Chính Bắc cũng dần từ bỏ hi vọng về việc đợi tin tức tốt về người hoạ sĩ già kia.

Thế nhưng ngay lúc này đột nhiên lại có người từ thành phố tìm đến thôn làng xa xôi hẻo lánh của họ, người này tự xưng là con trai của vị hoạ sĩ già kia, sau đó hỏi cặn kẽ chi tiết các địa điểm và việc hoạ sĩ già đã làm khi còn ở trong thôn họ.

Hồ Chính Bắc cũng không giấu giếm kể hết cho người nọ, ông ta còn tiếc nuối nói rằng: "Trước khi đi lão hoạ sĩ còn nói rằng sẽ đem 'Hồng Thích Mộng' tham dự sự kiện nghệ thuật của tỉnh, sau đó sẽ quảng bá cho thôn chúng tôi, không ngờ một lần đi này tận nửa năm, không hề thấy một tin tức nào cả."

Kết quả người con trai hoạ sĩ lại lặng im một lúc lâu, cuối cùng cậu ta thê lương nói rằng: "Cha cháu... Đã mất rồi."
Hồ Chính Bắc cả kinh, vội hỏi: "Mất rồi? Tại sao lại mất? Rõ ràng lúc đến đây ông ấy còn rất khỏe mạnh mà?"

Người con trai hoạ sĩ rơi nước mắt, nghẹn ngào đáp: "Ông ấy... Ông ấy đã treo cổ tự sát vào tháng tư, lúc đó con vẫn còn đang đi làm xa nên không về kịp, lúc phát hiện thì đã quá muộn rồi... Tất cả tranh của cha cháu đều bị phá hủy hoàn toàn, không phải ngâm nước thì là lửa đốt, bức tranh nào chất liệu tốt thì sẽ bị rạch nát tan tành, chỉ... Chỉ còn duy nhất bức 'Hồng Thích Mộng' là còn nguyên vẹn. Cháu không tin ông ấy tự sát, trong đây chắc chắn có uẩn khuất gì đó cháu nhất định phải tìm ra! Cha cháu là một người yêu nghệ thuật vô cùng, ông ấy từng nói với cháu rằng nét bút của ông ấy dùng cả đời cũng không dứt được, vì vậy ông ấy không thể tự tử trước khi hoàn thành bức 'Hồng Thích Mộng' được!"
Hồ Chính Bắc ngạc nhiên: "Bức 'Hồng Thích Mộng' chưa hoàn thành ư?"

Người con trai hoạ sĩ kia gật đầu nói: "Bức tranh đó đã gần như hoàn thiện lúc ở thôn Đào Hoa rồi, nhưng còn một chỗ duy nhất chưa được phủ màu, đó là bàn tay của cô gái trong tranh! Nhưng không biết tại sao lúc trở về cha cháu lại chậm chạp không vẽ hết bàn tay cô gái, cháu hỏi thì ông ấy trả lời rằng phải dùng một loại màu vẽ đặc biệt mới được. Cháu không am hiểu hội hoạ nên cũng không bàn luận nhiều, lúc đó sự kiện nghệ thuật của tỉnh cũng sắp bắt đầu rồi, cháu lại phải đi công tác ở tỉnh khác thế nên khoảng thời gian sau đó cũng không liên lạc với ông ấy."