[LONGFIC] Sinsoledad - FreenBeck | R

Chapter 1: Sinsoledad

Chapter 1: Sinsoledad - With the whole meaning of "Sin"

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu.

Đây không phải nhật ký, vì chẳng ai viết suốt một cuốn nhật ký trong hơn mười năm trời.

Hay là để tôi kể trước một câu truyện nhỏ, giống như bạn xem một chương trình truyền hình dài tập trên TV, trước mỗi tập phim đều sẽ có một đoạn cold open.

Nó có thể liên quan hoặc không. Nhưng nó là cách phù hợp nhất để tôi bắt đầu nội dung chính cho chương trình truyền hình của riêng tôi vậy.

Bạn đã từng nghe từ "Sinsoledad" bao giờ chưa?

Lần đầu tiên tôi biết từ này, là vào năm tôi lên bảy tuổi. Trong tiếng nức nở tang tóc vang vọng khắp nhà, của bà, của mẹ, tôi tìm thấy trên tường nơi góc phòng của ông tôi dòng chữ viết tay, "Sinsoledad". Tôi chỉ mới lớp Hai, tất nhiên không thể hiểu được nó là gì, những kí tự Latin đầu tiên tôi thấy.

Ông tôi vừa mất lúc sáng, ông là người đàn ông duy nhất còn lại của gia đình, trong trí nhớ của tôi, mỗi ngày ông chỉ ngồi trên chiếc ghế lắc lư làm bằng gỗ cẩm lai mà khi tôi thậm chí còn chả biết được tuổi đời của nó. Một lần lên cơn đột quỵ đã khiến ông mất khả năng đi lại, đó là khi gia đình tôi đang vùng vẫy trong các hóa đơn nợ nần kéo dài từ hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 97, một năm trước khi sinh tôi ra. Thái Lan bị nhấn chìm trong hố đen tài chính.

Theo lời mẹ tôi kể lại, với giọng văn đã được nêm nến thêm tính nhân đạo, cho đến khoảng gần cuối năm 1997, trong sự tính toán trước gia đình tôi đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng ấy. Lại càng giống như một trò đùa dai trong sự không tính toán trước, mẹ mang thai tôi. Bố tôi khi đó gồng trên vai món nợ mà ông cố chấp vay mượn từ các "doanh nghiệp ma" để cứu lấy sòng bài tư nhân của ông. Cái sòng bài mà bố luôn tự cho rằng nó là nguồn thu nhập chính để nuôi ba bốn cái miệng ăn trong nhà.

Trước đó bố mẹ tôi đã không hạnh phúc trong chính lựa chọn của mình, giờ đây lại có thêm cái cớ để bố mỗi ngày trở về nhà tiêm vào đầu mẹ những lời đay nghiến mà mỗi lần kể lại mẹ đều rưng rưng như sắp khóc đến nơi. Nợ chồng nợ, mẹ tôi bắt đầu ngày mới bằng tiếng bố chửi rủavà sự tấn công vật lý bởi bọn anh em xã hội của bố.

Giọt nước tràn ly. Để bảo vệ cái thai ngoài ý muốn là tôi, mẹ tôi chủ động viết nên một cái kết cho câu truyện ngụ ngôn giả cổ tích là cuộc hôn nhân không hạnh phúc này. Bố và mẹ đường ai nấy đi. Mẹ tôi để lại toàn bộ tài sản cho bố, rời bỏ mảnh đất Bangkok phồn vinh mà đầy đau khổ trở về Chachingsao ở cùng ông bà tôi.

Có lần tôi từng nghe bà đùa rằng, mẹ tôi giải quyết một món nợ bị động này để trở về gánh lấy một món nợ khác. Vì cùng thời điểm đó ông tôi cũng bắt đầu đổ bệnh, bà tôi quyết định mở một xe bán nước để kiếm đồng ra đồng vô chạy chữa cho ông. Tất nhiên bà vẫn phải chạy tứ phương để vay thêm vì tiền lời từ xe nước chỉ đủ để lo cho ba bữa ăn thiếu chất của hai người.

Mẹ mang tôi về nhà, những ngày đầu tưởng chừng như địa ngục. Cả bà và mẹ đều không có cách nào để cùng nhau thỏa thuận về vấn đề tài chính hiện tại. Bà mắng mẹ ngu ngốc vì đem phần tài sản còn lại giao cho bố, liên tục hỏi mẹ tại sao. Có Chúa mới biết vì sao mẹ lại lựa chọn như vậy. Bà còn phải lo cho ông, mẹ thì còn có tôi trong bụng.

Cuối cùng để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ông và tôi, cả hai mỗi người nhường nhau một bước ngồi xuống tìm cách giải quyết. Sau đó mẹ tranh thủ lúc thai còn chưa phát triển liền đi xin rửa chén ở một quán ăn gần nhà, đến khi "bụng vượt mặt" (bà tôi chỉ tôi nói như thế) thì mẹ sẽ ở nhà nhận hàng gia công, khi thì là gấu bông trẻ em, khi thì là hộp giấy...

Tháng Tám năm 1998, một miệng ăn khác trong hộ nghèo tỉnh Chachingsao ra đời, là tôi. Thật may vì khi ấy trong nhà còn có đủ tiền để mẹ có thể sinh tôi trong điều kiện y tế tạm xem là đạt tiêu chuẩn. Mẹ đặt tên tôi là Sarocha Chankimha, vẫn để tôi theo họ bố, vì bà nói nếu không có bố, mẹ sẽ không có cơ hội gặp tôi trong đời. Tôi gặp được mẹ trong đời, đó cũng là cơ hội của tôi. Những câu chuyện trong suốt những năm đầu tôi lớn lên tôi đều không thể nhớ nỗi.
Nhưng có một thứ mà tôi đã cảm nhận được từ khi tôi có đủ ý thức, đó là cái nghèo.

Việc không có bố bên cạnh không khiến tôi xấu hổ, vì tôi biết mẹ tôi đã làm thật tốt ở cả hai vai trò. Đối với bố, tôi có thể là một cái tội. Nhưng đối với tôi, bố cũng là một ơn phước. Cho dù gia đình chúng tôi bốn người bên nhau không mâu thuẫn, nhưng cái nghèo đeo bám mạnh mẽ đến nỗi một đứa nhỏ chỉ mới vài tuổi như tôi luôn phải cuối đầu khi gặp người khác.

Những năm tiếp theo khi tôi lớn hơn một chút, nhiệm vụ chính của tôi trong nhà là chăm ông phụ bà và mẹ. Từ sau cơn đột quỵ, mới đầu ông chỉ giảm đi khả năng vận động, càng về sau thì không thể đi lại, nhưng vẫn có thể nói chuyện với chúng tôi bằng những câu ngắn. Ông luôn ngồi ở ghế lắc lư, ăn uống và ngủ nghỉ cũng ở đó.
Tôi thường chịu trách nhiệm đút ông ăn, lau mặt hoặc bóp tay cho ông. Tôi không biết vì sao mỗi khi bà chăm ông, ông không nói câu nào, nhưng chỉ cần nhìn thấy tôi, ông sẽ cố nói với tôi rất nhiều thứ. Mà tôi cũng thích nghe ông nói nữa, giọng ông khá hay, giống như các nhân vật lớn tuổi trong mấy bộ phim hoạt hình tôi xem lén được ở nhà thằng Nop hàng xóm.

Mẹ không gửi tôi đến nhà trẻ, đơn giản thôi vì gia đình tôi không đủ tiền, cho nên người bạn duy nhất của tôi có thể chính là ông. Sau này mẹ bắt đầu gói ghém tiền bạc cho tôi đi học tiểu học, tôi cũng không còn dành nhiều thời gian bên cạnh ông như trước.

Ngoài ra có lúc rãnh rỗi tôi cũng thích lủi thủi quanh sân nhà chơi một mình, hầu như là tôi sẽ đều học chữ số, mẹ nói tôi thông minh hơn người vì tôi biết đọc từ sớm, nhận mặt chữ cũng nhanh hơn người khác. Có khi cần tôi sẽ chạy đi giúp bà buôn bán ở xe nước, hoặc sẽ giúp mẹ gia công đống hàng hóa chất như núi ở trong nhà.
Khách hàng của bà tôi đa số là dân lao động trong khu vực, có một vài người là khách quen, rãnh rỗi sẽ ngồi lại buôn chuyện với nhau. Những lúc thấy tôi lăng xăng phụ hợ ở xe nước, họ thường khen tôi lanh lợi được việc, đôi khi còn cho tôi kẹo bánh hoặc ít đồng lẻ.

Tôi nghĩ rằng những bé gái có thể sẽ rất thích được khen là xinh đẹp, đáng yêu, tôi lại ít khi được khen như thế. Nhưng so với xinh đẹp, tôi muốn được khen là được việc hơn. Nó khiến tôi cảm thấy mình không vô dụng, chỉ biết ăn, ngủ rồi nhõng nhẽo như những đứa con nít khác.

Tôi nghĩ đó cũng là lí do mà bọn con gái trong xóm không thích chơi với tôi, bọn con trai thì khỏi bàn tới đi, nhìn bọn nó như lũ khỉ, mỗi khi gặp nhau là lại la hét mấy từ ngữ vô nghĩa. Chúng nó ồn ào quá mức cho phép. Hoặc là do tôi lại quá yên tĩnh so với tiêu chuẩn của một đứa trẻ, tôi không biết, bà và mẹ cũng không cho đó là kì quặc nên tôi cũng không cho là vậy.
Tại sao cứ phải là trẻ con thì được phép ồn ào như thế nhỉ?

Duy nhất trong xóm còn sót lại một đứa khác, bất đắc dĩ lại trở thành bạn của tôi, nó tên Orntara Poolsak, thường mọi người sẽ gọi nó là Nam. Tôi biết nó vì mẹ nó là chủ hàng gia công gấu bông của mẹ tôi. Nghe đâu nó lớn hơn tôi một tuổi nhưng do năm đó bố mẹ nó lo làm hàng mà quên mất nó tới tuổi vào tiểu học, cứ như vậy để nó học mẫu giáo tận bốn năm. Thế nên tôi cũng xem nó như cùng tuổi với tôi.

Không hiểu vì sao nó sinh ngay năm khủng hoảng kinh tế mà gia đình nó vẫn đủ ăn đủ mặc, còn nhà tôi thì hụt trước thiếu sau.

Nhà Nam cách nhà tôi bốn năm căn gì đó, nói chung rất gần, lúc đầu chơi với nó tôi thấy trí tuệ của mình bị mai một đi chút ít. Mẹ nó hay bảo tôi chơi với nó hãy kiên nhẫn một chút vì nó kém thông minh hơn người khác. Học cũng chậm, mà nhờ vả nó việc gì nó cũng cứ ì ạch ra. Bà ấy cũng hay quăng nó sang nhà tôi nhờ tôi kèm nó học chữ, đổi lại tôi có thể đến nhà nó xem phim hoạt hình sau giờ cơm tối.
Nhưng càng về sau tôi mới nhận ra, không phải là nó kém thông minh, thậm chí tôi còn thấy nó ranh mãnh hơn tôi rất nhiều, chẳng là nó "giả điên" (lại một từ khác mà bà dạy tôi) để qua mặt bố mẹ nó thôi. Tôi thấy nó là một đứa thú vị, trừ việc nói quá nhiều ra thì trong đầu nó hay nhảy số những trò lạ lùng mà tôi thấy rất đạt tiêu chuẩn.

Nói thế nào đi chăng nữa, nó vẫn là một đứa bạn cực kì chất lượng của tôi. Những cột mốc quan trọng diễn ra trong đời tôi đều có sự chứng kiến của nó. Mẹ của Nam cũng rất thương gia đình tôi, bà ấy luôn sẵn sàng giúp mẹ tôi những lúc khó khăn nhất. Cũng giống như vào buổi sáng ông tôi mất, gia đình nó là những người đầu tiên có mặt ở nhà tôi, giúp bà và mẹ tôi chuẩn bị hậu sự cho ông.

Vì là dân buôn bán nên bà tôi vẫn có một số mối quan hệ bạn hàng khác cũng ở gần đây, vài người cũng đã đến để bắt đầu đưa ông đến nhà tang lễ. Vang vọng khắp nhà là tiếng than khóc của mẹ tôi, bà tôi chỉ thút thít đôi chút. Còn tôi, hình như là tôi đã có khóc, nhưng không thành tiếng.
Nam kể lại khi đó nó đi tìm tôi, thấy tôi cứ ngồi trong một góc hai ngón tay vân ve một dòng chữ viết tay ở trên tường. Nó đi lại gần tôi, vừa thấy nó tôi đã gào lên khóc nhưng không phát ra âm thanh nào, tôi nghĩ nó kể dối thôi vì nó diễn tả tôi lúc đó chả khác gì thiểu năng.

"Mày đọc được chữ này không?" - Tôi vừa chỉ vào tường vừa mếu máo hỏi nó.

"Vậy mày đọc được không?" - Nam hỏi ngược lại tôi.

"Đọc được thì tao hỏi mày làm gì?" - Tôi gắt gỏng.

"Mày đọc còn không được mà chạy đi hỏi tao?" - Nam vẫn giữ cái vẻ điềm tĩnh mà chỉ khi ở bên cạnh tôi nó mới trưng ra.

Một câu đó của nó kết thúc cuộc hội thoại của bọn tôi. Đến đây thì tôi bắt đầu tin rằng tình bạn này thật sự làm mai một trí tuệ của tôi.

Đám tang của ông kết thúc. Mọi việc vẫn diễn ra theo cách nó vận hành mỗi ngày. Nhưng bà tôi có vẻ đã không còn đủ tinh thần để duy trì việc buôn bán thường xuyên như trước nữa. Có những ngày mệt mỏi bà sẽ nghỉ ngơi, nếu không có việc gì tôi sẽ lại bán phụ bà, còn không thì chúng tôi đóng xe. 
Mẹ tôi cũng vì vậy mà làm việc chăm chỉ hơn trước, số hàng gia công trong nhà tôi đã nhiều giờ lại càng nhiều hơn, chất đầy mọi ngóc ngách. Mẹ cũng không than phiền câu nào cả, dù rằng vừa trải qua mất mát, mỗi ngày mẹ vẫn vui vẻ làm việc của mình.

Lúc tôi lên lớp Bốn từ, bố mẹ của Nam cũng chuyển nó về học cùng trường với tôi. Năm đó mẹ nó đi xem bói, bà đồng nói rằng nếu chịu khó làm ăn thì gia đình sẽ phất lên như diều gặp gió, vô thưởng vô phạt như thế mà bố mẹ nó lại tin sái cổ.

Hai người họ bận đến mức không có thời gian đưa đón nó liền mua cho nó chiếc xe đạp mới hiệu Jasmine màu vàng để có thể cùng tôi đi học. Mà vào thời điểm đó phải oai cỡ nào mới có thể sở hữu được chiếc xe đó dù trông nó có vẻ quá khổ so với Nam. Nhưng đứa bạn này của tôi ghét nhất ngoài học Toán chính là đạp xe. Nhà tôi không có điều kiện để mua xe đạp, mà bản thân tôi cũng chẳng muốn phí tiền vào chuyện đó nên quanh năm suốt tháng chỉ đi bộ, không biết đi xe đạp.
Trường của bọn tôi cách xa không quá xa, còn chưa tới một cây số, Nam chỉ đạp xe chở tôi đến trường đúng một lần và ngày khai giảng. Sau hôm đó nó quyết định giao chiếc xe cho tôi, một lần trong đời tự tin lên mặt dạy tôi chạy xe đạp.

Bình thường chúng tôi hay chơi với nhau ở khu đất trống đối diện nhà tôi, nhưng gần đây nó đã được người ta mua lại và đang thi công, hình như là nhà ở. Bà nói với tôi sắp có một gia đình tài phiệt giàu có nào đó chuẩn bị chuyển về đây sống nên mới xây nhà to như vậy. Tôi chả quan tâm, nhiều lúc chỉ thấy tức trong lòng vì mất đi chỗ để "đóng tổ" ngoài đó, hơn ba tháng nay bọn tôi phái đi rất xa mới có thể tìm được chỗ yên tĩnh để chơi cùng nhau.

Nam chở tôi đến một bãi đất khác để tập. Qua mất nửa ngày tập xe, bọn tôi thậm chí bỏ luôn bữa trưa để tập cho vững mới thôi. Lúc tôi có thể chở Nam chạy được 100 mét, nó mừng như vớ được vàng mà la toáng lên.
"Nè Freen, dì Nun nói đúng đó, mày thiệt sự là thiên tài nha! Tao thấy cái gì mày cũng giỏi hơn người ta hết."

Nam vừa dứt lời, xe chúng tôi đâm đầu vào một bụi cây dại gần đó, ngã đau đến mức nhỏ Nam bàng hoàng nói không nên lời. Con "chiến mã" mua được 3 ngày đã bị ngã đến móp cả cái rổ xe phía trước, cũng may còn lại thì không hư hại gì, nếu không chắc bố mẹ Nam sẽ phải xem xét lại việc để nó tiếp tục chơi với tôi.

Khoảng 5 giờ chiều hai đứa chúng tôi thất thểu dắt xe về nhà, lúc này trời cũng đã tắt nắng hẳn. Bọn tôi đạp xe nhệ nhãi cả mồ hôi, vì cú trượt té lúc nãy mà chân tôi còn rỉ chút máu, nhưng cũng chả có hề hấn gì, trên đầu của Nam vụn cỏ còn bám đầy kia kìa.

Gần về đến nhà cả tôi và nó đều nghe thấy tiếng ồn ào, náo nhiệt, xa xa chúng tôi nheo mắt nhìn có thấy hàng xóm vài người vây quanh trước căn biệt thự vừa mới xây cất, hình như tôi còn thấy mẹ nhỏ Nam đang đứng bàn tán gì đó. Tôi với nó nhìn nhau nhún vai ra chiều không quan tâm thật nhanh phóng về nhà.
Đi ngang qua nhóm người đó tôi không được mình tò mò mà nhìn vô, cuối cùng cũng hiểu chuyện gì xảy ra.

Đúng như lời bà tôi nói, có một gia đình giàu có vừa mới chuyển tới, họ thuê một đội nhân công trong xóm tôi vận chuyển đồ đạc vào nhà. Các ông chồng thì hăng hái nhào vô, mấy bà vợ tụ lại một nhóm không ngừng bàn luận đánh giá.

"Ê Nam, xem ra bố mày cũng không ngại mấy việc này nhỉ."

Tôi vừa nói vừa khều tay chỉ nhỏ Nam hình ảnh bố nó như đoàn trưởng đoàn nhân công vui vẻ mà làm việc. Gia đình nó tất nhiên không thiếu tiền để bố nó đi làm mấy việc vặt này, chẳng qua là bố có tính ham vui, rãnh rỗi có ai nhờ gì bố nó đều xung phong tham gia. Nam nó cũng quen với mấy cảnh này nên không có ý kiến.

Bọn tôi cũng không muốn nấn ná lại lâu hơn bèn âm thầm đánh bài chuồn trước khi mẹ nhỏ Nam bắt gặp bộ dạng lôi thôi của bọn tôi bây giờ. Nó đi theo tôi về nhà tôi trước để lấy cặp xách, lúc hai đứa tôi đi đến trước cổng nhà thì bắt gặp một điều kì lạ.
Trước sân nhà tôi khi đó xuất hiện một "sinh vật nhỏ" mặc chiếc đầm caro vài lanh màu hồng. Một đứa con gái, đâu chừng khoảng năm, sáu tuổi gì đó, trắng bóc như trứng gà bóc vỏ, đang ngồi bó gối ở bậc thềm trước cửa nhà tôi.

Điều kì lạ hơn tôi muốn nói ở đây chính là, ngồi một bên gần nó khi đó là mẹ tôi. Mẹ rót một ít nước cam vào ly rồi đưa cho nó, còn cười rất vui vẻ với nó. Nhưng đứa trẻ này khuôn mặt nhăn nhăn nhó nhó trông khó chịu cực kì, nó nhận lấy ly nước, không quên cảm ơn mẹ tôi, tôi không nghe rõ vì giọng nó lơ lớ, nghe rất...đáng ghét.

"Ủa Freen, con bé đó là ai vậy? Em gái mày hả?"

"Mày im! Tao làm gì có đứa em nào như vậy, nhìn kì quặc."

Đúng, trông con bé đó kì cục muốn chết. Nó trắng nõn, mắt thì to, mũi lại rất cao, nhìn nó giống như mấy đứa trẻ Châu Âu tôi hay xem trên TV nhưng cũng không hoàn toàn giống lắm, đã vậy nó còn biết nói tiếng Thái. Tôi không biết mẹ tôi lụm ở đâu ra đứa trẻ này. Nhìn cách ăn bận của nó, không giống như người ở đây, đại loại là nhìn nó, không nghèo.
Hai hàng chân mày tôi chau lại, tôi mạnh dạng tiến lại trước mặt nó, lúc đó tôi muốn cùng con bé đối chất rõ ràng. Nhưng khi nó vừa ngước lên nhìn tôi, trông vài giây tôi nhớ mình đã đứng đơ người ra nhìn nó chằm chằm. Trông nó giống như một con búp bê rất đắt tiền mà mỗi lần đi ngang qua cửa hàng đồ chơi tôi và Nam đều thèm thuồng mơ ước. Đôi mắt nó tròn xoe, như óng ánh nước, nó cũng không hề sợ sệt gì mà nhìn vào mắt tôi.

Đột nhiên tôi thấy mình có chút thu người lại trước cái nhìn của đứa trẻ này, tôi ít khi nhìn thẳng thật lâu vào mắt ai như thế còn con bé thì giống như muốn nuốt chửng lấy tôi. Nó bất ngờ đứng phắt dậy đảo mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi phun vào mặt tôi hai chữ trước khi một mạch bỏ đi.

"Bẩn thỉu."

Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi nghe bên tai Nam có lay vai gọi tôi một hai lần. Còn tôi thì vẫn đang tải dữ liệu một cách chậm rãi. Bẩn thỉu sao? Năm đó tôi chỉ mới lớp Bốn, nhưng vẫn có thể hiểu được hai tiếng bẩn thỉu phát ra từ miệng nó có hàm ý gì. Con nhỏ này thật sự đúng là...
Khoan đã, để tôi nói thêm lời này, đến đây thì nội chung chính của chương trình truyền hình, mới chính thức bắt đầu.

End chapter 1.