Lúc Này Đúng Khi Đó Sai

Chương 13: Tri kỷ (7)

Câu "Bây giờ thì... Tony từng trải sắp biến thành Tony xui xẻo rồi." kia vừa nói ra, hai viên cảnh vệ liền tháo thẻ công tác của Tony xuống.

"Này..." Tony líu cả lưỡi, trong lòng cảm thấy không ổn.

"Câm miệng lại!" Một viên cảnh vệ thấp giọng nói.

Nhìn thái độ của đội trưởng đội cảnh vệ đối với đôi nam nữ đó, Tony liền biết có lẽ... anh ta thực sự sắp biến thành Tony xui xẻo rồi.

Thế nhưng tại sao lại lái chiếc Toyota đến tham dự hôn lễ chứ?! Phải biết rằng đây đâu phải là một lễ cưới bình thường. Vả lại, tại sao mang theo thiệp mời do Vương phi đích thân ký tên mà lại không đi lối đi VIP?

Dưới sự hộ tống của đội trưởng đội cảnh vệ, đôi nam nữ kia đi về phía chiếc Toyota đang đậu, chàng trai đi giữa còn cô gái đeo kính đi cuối cùng. Khi đi ngang qua Tony, cô gái đeo kính còn cố ý dừng lại một chút, kéo kính xuống...

Đôi mắt không bị mắt kính che lại có nét trong trẻo đặc trưng của những cô gái trẻ. Trong sáng linh động như một con nai rừng.

Chỉ bằng đôi mắt này, Tony liền biết rằng anh ta đã bị mắc bẫy rồi.

Chủ nhân của đôi mắt nhìn vào khoảng không, nháy mắt với anh ta. Khóe miệng nhếch lên, hàm răng trắng đều ngay ngắn. Nụ cười từ đáy mắt đến khóe miệng đều như muốn nói rằng: Hôm nay anh chỉ có thể làm Tony xui xẻo mà thôi.

Có lẽ đúng như chàng trai kia đã nói, lái xe Toyota chỉ vì muốn gặp được những chuyện thú vị.

Tony buông thõng vai.

Đội trưởng đội cảnh vệ mở cửa chiếc xe Toyota, chàng trai cũng không trực tiếp bước vào trong xe mà đi về phía cô gái bị Tony quát mắng lúc trước. Trên mặt cô gái vẫn còn đọng lại vệt nước mắt chưa khô.

Chàng trai dừng lại trước mặt cô gái và nói rằng: Tôi tin cô.

Cô gái ngây ra nhìn chàng trai.

Chàng trai khẽ mỉm cười, vươn tay về phía cô gái: "Nếu cô còn muốn gặp anh trai, tôi có thể dẫn cô đến trước mặt anh trai cô."

Bàn tay đang dừng lại trên không trung thon dài trắng trẻo, khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến những dây đàn, phím đàn đen trắng và ánh trăng. Từ biểu cảm của những người phụ nữ có mặt ở đây liền có thể nhìn ra, chắc chắn không ít người liên tưởng đôi bàn tay ấy với tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ nhất trần đời.

Cô gái vẫn thẫn thờ.

"Cần không?" Chàng trai không hề mất kiên nhẫn, nhẹ nhàng hỏi.

Cô gái hồi thần lại, ra sức gật đầu.

Tony nhịn không được quay sang quan sát cô gái đeo kính kia. Bạn trai mình ân cần với cô gái khác mà cũng không tức giận sao?

Cô gái đeo kính chống tay lên cửa xe. Từ biểu cảm đến dáng đứng đều nói rõ một điều: chuyện xảy ra trước mắt cô chẳng có gì là lạ hết.

Chiếc xe Toyota chạy vào lối đi VIP. Tony bị buộc phải cởi bỏ bộ đồng phục của cảnh vệ Hoàng gia.

Trên đường xuống núi, Tony tự nhủ, không sao đâu, anh ta chỉ mất đi cơ hội chụp ảnh với tay đua yêu thích mà thôi. Mãi cho đến khi Tony nhận được cuộc gọi từ người chú của mình, anh ta mới nghĩ hôm nay mình đúng là Tony xui xẻo rồi.

Chú của Tony là quản lý của Grand Hotel de Paris. Ban đầu anh ta được vào làm ở khách sạn cũng là do chú mình giới thiệu. Trong điện thoại, chú ấy nói với anh ta rằng sau này không cần đến khách sạn nữa.

Sau này không cần đến khách sạn nữa, nghĩa là anh ta đã bị đuổi việc ư?

"Tại sao?" Sau khi hồi thần anh ta mới nhớ ra rằng Hoàng gia Monaco sở hữu bảy mươi phần trăm cổ phần của Grand Hotel de Paris. "Có phải vì tên nhóc lái chiếc xe Toyota không?"
Người chú lại nói cho Tony một chuyện nữa.

Tên nhóc lái chiếc xe Toyota chính là Petite France?!

Tony biết Petite France là ai. Một đứa trẻ ngậm thìa vàng sinh ra điển hình.

Có một lần anh ta cùng một người bạn đi du lịch Paris. Đến trước cửa một nhà hát opera, anh ta nhìn thấy một tấm áp phích ở lối vào nhà hát, thông qua chỉnh sửa (ảnh), cậu thiếu niên khép hờ mi mắt đẹp đến nỗi như thể bước ra từ ảo mộng.

Lúc ấy bạn anh ta còn miêu tả thiếu niên trong tấm áp phích là kiểu uống sương mai mà lớn (*), đi lại đều có tài xế đưa đón.

(*) Ý chỉ những người được nâng niu cung phụng.

Sau đó, Tony nghe nói đến Petite France là vì cậu ta đã trở thành sinh viên của Học viện Ryder. Cậu ta có phòng cố định trên tầng cao nhất của Grand Hotel de Paris. Nghe nói đó là căn phòng được Hoàng gia Monaco đặc biệt giữ lại cho cậu ta.
Công quốc Monaco cùng Doanh nghiệp Liên thị có hạng mục hợp tác lớn trong tương lai. Monaco muốn xây dựng bãi đỗ xe lớn nhất châu Âu trên mặt biển, Kiến trúc Liên thị là công ty đi đầu trong các hoạt động xây dựng công trình ngoài khơi.

Nhưng Tony chưa từng nhìn thấy Petite France, rất nhiều đồng nghiệp của anh ta cũng vậy. Không nhìn thấy bao giờ là vì Petite France hiếm khi vào ở khách sạn, mỗi lần đến cũng đều trực tiếp dùng thang máy chuyên dụng đi vào.

Trong mắt các nhân viên của Grand Hotel de Paris, đó là nhân vật cấp bậc tiểu vương tử. Tính cách của vị tiểu vương tử này lại còn rất lạnh lùng.

Có ai ngờ rằng một người như vậy lại lái chiếc xe Toyota cũ kỹ đến tham dự lễ cưới Hoàng gia.

Hơn nữa, cô gái đeo kính mà anh ta nhìn thấy trước đó chính là Vianne, nguyên mẫu trong cuốn sách "Vianne của chúng ta".
Bọn trẻ lúc nào cũng nói "Cô ấy là một Vianne đáng yêu."

Vianne đáng yêu?! Trong đầu vang lên tiếng nói nhỏ nhẹ kia, Tony đỡ trán, đó hẳn là một màn biểu diễn ngẫu hứng của đám con nhà giàu lúc buồn chán rồi. Hôm nay anh ta xui xẻo gặp phải hai đứa trẻ hư.

Tony cầm điện thoại lên, lúc này anh ta chỉ muốn tìm bạn bè đi uống vài ly.

Đầu bên kia mãi không nhấc máy. Trong lúc đó, Tony lại lần nữa nghe thấy danh xưng "Petite France" phát ra từ cô gái không coi ai ra gì bên cạnh.

Cô gái vừa dẫm lên tấm áp phích vừa lẩm bẩm cái tên "Liên Gia Chú". Tên tiếng Trung của Petite France chính là Liên Gia Chú.

Tony không biết nhiều về tiếng Trung. Ngoài "Xin chào" và "Cảm ơn", bây giờ còn có thêm "Liên Gia Chú". Chắc chắn rằng anh ta sẽ không dễ gì mà quên được ba chữ "Liên Gia Chú" này trong vòng mười năm tới.
Sau khi lẩm bẩm xong, cô gái hung hăng ném quyển tạp chí trên tay xuống đất. Tựa như vẫn chưa hả giận, cô nàng còn dẫm lên quyển tạp chí mấy lần, cũng không thèm quay đầu lại.

Đó là tuần san giải trí bán khá chạy ở Nam Pháp. Trên trang đang bị mở ra, Tony nhìn thấy một gương mặt quen thuộc. Anh ta cúp điện thoại, tiến lại gần.

Phía trên gương mặt quen thuộc đó là một tiêu đề rất lớn. Tên của Petite France và Trần Dĩnh Mỹ xuất hiện trong tiêu đề đó. Theo mô tả của giới truyền thông, Trần Dĩnh Mỹ và Liên Gia Chú hiện đang trong thời kỳ yêu đương nồng nhiệt.

Xoay quanh sòng bạc Casino de Monte-Carlo, ngành công nghiệp cờ bạc ở vùng Côte d'Azur vô cùng phát triển. Sự nhàn nhã tản mạn mà Địa Trung Hải đem đến khiến cho người dân ở Nam Pháp chìm trong hoan lạc. Các công ty cá độ mở ra là để thu hút sự chú ý, chỉ cần đưa tiền và tuân thủ luật chơi thì loại hình cá độ nào họ cũng dám mở.
Tỷ lệ đặt cược cho những chủ đề như "cặp đôi nổi tiếng nào đó khi nào thì chia tay" càng là không nói chơi. Lần này, "cặp đôi nổi tiếng nào đó khi nào thì chia tay" đổi thành "Petite France khi nào sẽ chia tay cô nàng Lulu ngực phẳng". Tỷ lệ đặt cược giữa người chơi và nhà cái là tám - một.

Thời gian mở thưởng là ngày kia, trước lúc mặt trời mọc. Nếu như ngày kia, trước lúc mặt trời mọc mà Petite France chưa chia tay Trần Dĩnh Mỹ, toàn bộ số tiền đặt cược của tám người này sẽ thuộc về công ty cá độ. Nhưng nếu đến lúc đó Petite France và Trần Dĩnh Mỹ chia tay, công ty cá độ sẽ phải trả cho người chơi một phần tiền theo tỷ lệ đã định trước đó.

Nghe nói, trong số tám người này có người đã đặt cược tận mười nghìn euro.

Từ giờ đến lúc mở thưởng vẫn còn một ngày hai đêm.
*******

Ánh chiều tà khuất dần sau ngọn cây, đua nhau lướt về phía Địa Trung Hải. Trong tích tắc như có người đổ một xô lá vàng xuống mặt biển, ánh vàng rực rỡ phủ kín khắp đất trời. Khiến cho người ta không thể mở nổi mắt nhưng vẫn không nỡ bỏ qua cảnh đẹp trước mắt, phải híp mắt lại để ngắm nhìn bờ biển nhuộm đẫm sắc vàng.

Cũng chỉ trong nháy mắt, ánh vàng lấp lánh dần dần phai đi, biến thành sắc trà ấm áp.

Thu lại ánh mắt lưu luyến đặt trên mặt biển, Trần Dĩnh Mỹ quay đầu lại liền nhìn thấy tòa kiến trúc màu trắng nằm giữa những khối đá, cây xanh và những gốc xương rồng cao lớn.

Đó là nhà của Liên Gia Chú ở thị trấn Èze.

Thị trấn Èze là tòa thành đá nằm giữa Monaco và Nice, nhờ vào nhà triết học Nietzsche ở đây sáng tác mà nổi danh. Đồng thời đây cũng là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Côte d'Azur.
Ở thị trấn Èze có một nhà hàng Michellin. Ở nơi đó tìm được một ví trí gần biển, vừa thưởng thức mỹ thực, vừa ngắm nhìn eo biển Lafite được coi là một niềm vui lớn trong đời.

Trần Dĩnh Mỹ nửa năm trước đã nếm trải qua niềm vui lớn trong đời này. Vào một buổi hoàng hôn cách đây nửa năm, khi đó, cô vừa lọt vào top 50 bảng xếp hạng Hoa hậu Thế giới, vì để chúc mừng, cô và bạn bè đã đến thị trấn Èze.

Bọn họ phải xếp hàng một tuần mới đặt được chỗ ngồi cạnh biển ở nhà hàng Michellin. Mọi thứ đều đẹp như trong truyện cổ tích vậy.

Hôm đó không có nhiều khách, vài nhân viên phục vụ trong nhà hàng Michelin đang trò chuyện dưới bệ đá trước cửa sổ. Trong cuộc trò chuyện của họ, cái tên Petite France đã khơi dậy sự tò mò của Trần Dĩnh Mỹ.

Có không ít học viên nổi tiếng ở Học viện Ryder. "Petite France" mà những người phục vụ nhắc đến chính là một trong những nhân vật nổi tiếng đó.
Trần Dĩnh Mỹ cũng là sinh viên của Học viện Ryder. Nhưng gia thế và tài năng chỉ có thể khiến cô nằm trong nhóm thành viên cấp thấp nhất của Học viện Ryder. Theo thể chế của học viện, nhóm của cô ấy và nhóm của Liên Gia Chú là kiểu quan hệ nước sông không phạm nước giếng.

Về Petite France, vài học viên tự nhận là đã gặp qua người thật ai cũng nói rằng: "Cậu ấy so với trên áp phích còn đẹp hơn, rất lịch thiệp."

Trên trang web của học viện có tư liệu về Petite France. Tư liệu làm cho Trần Dĩnh Mỹ cảm thấy cái tên tiếng Trung đó thực sự rất dễ nghe.

Gia Chú, đọc lên đúng thật là rất hay.

Bởi vì cái tên dễ nghe, cô nàng còn cố ý lên mạng tra ý nghĩa của cái tên này.

Chú: cơn mưa đúng lúc.

Gia Chú: cơn mưa mang theo điềm lành.

Ấn tượng để lại cho Trần Dĩnh Mỹ về nhân vật nổi danh này không phải là gia thế hay tài năng của anh, mà là khái niệm về một cái tên tiếng Trung mà dường như mỗi lần đọc lên đều lưu lại hương thơm (*).
(*) Ý chỉ một cái tên rất hay rất đẹp, đến nỗi đọc lên thôi đã thấy dễ chịu rồi.

Cơn mưa mang theo điềm lành.

Bởi vì điều này mà Trần Dĩnh Mỹ trở nên hiếu kỳ về nội dung trò chuyện giữa vài nhân viên phục vụ.

Liên Gia Chú được công nhận là một sinh viên tương đối kín tiếng tại Học viện Ryder. Thông thường, càng kín tiếng thì càng khiến người ta tò mò. Qua lời nói của những người phục vụ, Trần Dĩnh Mỹ biết được rằng Liên Gia Chú có một ngôi nhà ở Èze.

Mọi người đều biết, ngoại trừ mấy trăm hộ dân cư ở Èze, việc sở hữu một ngôi nhà ở tòa thành nhỏ này không phải cứ có tiền là thực hiện được. Số ít biệt thự dưới chân núi đều được cải tạo từ cung điện còn sót lại từ triều đại Savoy. Quyền cải tạo lại cung điện nằm trong tay chính phủ. Muốn lấy được quyền cải tạo thì mang theo chi phiếu thôi là chưa đủ.
Nhà của Liên Gia Chú là một trong những cung điện do Vương triều Savoy để lại.

Một trong những người phục vụ nói rằng cô ấy cùng đầu bếp Michelin đã từng đến nhà của Liên Gia Chú một lần. Thi thoảng, khi Liên Gia Chú tiếp đãi khách tại nhà, anh ấy sẽ gọi bếp trưởng của nhà hàng Michelin đến. Người phục vụ này đã đến nhà Liên Gia Chú với tư cách là phụ bếp.

Người phục vụ từng đến nhà của Liên Gia Chú đã mô tả những gì cô ấy thấy như thế này:

Thiết kế theo phong cách Byzantine; người da đen phụ trách trông coi căn nhà; quản gia là người da trắng, tài xế người Nhật Bản, người hầu người Philippines, bàn ăn dài với bộ đồ ăn từ thời Napoléon. Trên tạp chí, cô người mẫu nổi tiếng với vẻ đẹp lạnh lùng trên sàn chữ T nép mình trong vòng tay của bạn nam như một chú mèo. DJ nổi tiếng người Pháp sử dụng hết khả năng để khuấy động bầu không khí. Phồn hoa rực rỡ, ánh sao lấp lánh trên cao chỉ cần vươn tay ra là chạm tới được.
Trong làn gió đêm, lắng nghe giọng nói của nữ phục vụ, ánh mắt lần tìm theo chân núi, cuối cùng Trần Dĩnh Mỹ cũng nhìn thấy mái nhà màu đỏ lấp ló trong sắc xanh, thẫn thờ dán mắt vào nơi đó...

"Trần Dĩnh Mỹ." Người bạn đi cùng gõ gõ tay lên mặt bàn.

"Trần Dĩnh Mỹ." Thanh âm tiến sát lại bên tai cô.

Tại thời khắc đó, ký ức và hiện thực đan xen vào nhau. Cái gõ bàn cùng tiếng "Trần Dĩnh Mỹ" kia đã là của nửa năm trước.

Nửa năm trước, khi Trần Dĩnh Mỹ tò mò đi xem thử mái nhà đỏ dưới chân núi, cô chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại trở thành khách ở đây.

Thu lại dòng suy nghĩ từ trong hồi ức, chủ nhân của mái nhà màu đỏ đang ở ngay trước mặt cô. Quần áo thoải mái, một tay xách túi hàng, một tay cầm điện thoại di động, làn da tinh tế gần như trong suốt, đôi mắt đen trắng rõ ràng. Anh trông giống như một chàng trai bước ra từ căn phòng thủy tinh.
"Yann" cô cong khóe môi.

Thực ra, trong lòng Trần Dĩnh Mỹ, cô ấy thích gọi anh là Gia Chú hơn, nhưng...

Một ngày nọ, trong lúc tâm trạng đang vô cùng thoải mái, cô buột miệng gọi anh là Gia Chú.

"Gọi anh là Yann" Liên Gia Chú dịu dàng nhắc nhở cô, nhưng ánh mắt anh lại rất lãnh đạm.

Trong số tất cả bạn bè của Liên Gia Chú, chỉ có Lâm Phức Trăn không gọi Liên Gia Chú là "Yann". Lâm Phức Trăn lúc nào cũng: "Gia Chú, cậu chắn đường mình rồi", "Gia Chú, đưa cốc cho mình", "Gia Chú, hỏi cậu cái này", "Gia Chú,...".